Những chợ lạ, chợ độc tại miền Tây

1.Chợ  “sung dược”  – An Giang

Bên lề chợ vùng biên giới Tịnh Biên (An Giang) còn xuất hiện một cái chợ chồm hổm chuyên bán các sản vật lạ của vùng Bảy Núi.  Người ta gọi nó là chợ Côn Trùng, bởi ở đó chuyên bán “hàng độc” như mối chúa, rết, bò cạp, ve sữa, tắc kè, bửa củi… Đây là những con vật mang nét đặc trưng ở vùng Bảy Núi. Chúng được một số trẻ em và người nghèo kỳ công lùng sục vào những đám rừng rậm để truy bắt rồi bán cho nhiều người  mang về nhậu hoặc ngâm rượu uống. Ngày nay, “mặt hàng” này cũng đã được nhiều người nuôi để bán nhưng họ hay “lập lờ đánh lận con đen” bảo là “hàng xịn” bắt từ trong núi.  Ở chợ “sung dược”, người bán có thể cầm cả nắm con bò cạp sống mà không sợ bị chích.

Người ta đồn rằng những con côn trùng này đem chiên giòn hoặc ngâm rượu uống có thể giúp nam phụ lão ấu đạt được sức mạnh như mong muốn. Đặc biệt, đàn ông nào cũng nghĩ rằng khi ăn hoặc uống rượu ngâm từ những con côn trùng này thì có thể cường dương. Bởi vậy mấy thứ “hàng hiếm” này được người ta tôn là “sung dược” và cái chợ tuy chỉ le hoe mấy người bán đứng chào mời người đi đường nói trên cũng được gọi là chợ “sung dược”.

2.Chợ chuột lớn nhất Miền TâyAn Giang

Mặc dù nghe danh là chợ Chuột lớn nhất miền Tây nhưng thực ra thì nó là nơi để mua bán giữa mọi người chẳng có nhà lồng chợ nào cả. Nhưng cái sự mua bán chuột ở đây thì lại diễn ra sôi động, tấp nập còn hơn cả chợ quê ngày tết. Đó chính là chợ chuột Phù Dật ở ấp Bình Chiến, xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang. Không ai nhớ rõ cái chợ có tự bao giờ.  Lúc đó do cuộc sống nghèo khó nên nhiều người sống bằng nghề đi gài rập chuột. Họ gài đồng gần nên mang chuột về Phù Dật bán cho những người mua về nhậu chơi hoặc cải thiện chất tươi cho bữa ăn hằng ngày. Từ đó, nơi đây mới bắt đầu phát sinh chuyện mua bán chuột.

Càng về sau, rất đông người sống dọc theo kênh Phù Dật thấy nghề bắt chuột cho thu nhập khá nên tham gia. Họ đi vào tận miệt Đầm Chích, Giang Thành, Tám Ngàn, Hòn Đất (Kiên Giang) để đánh bắt. Cứ mỗi chiều, từng toán người cụ bị nào rập, nào chĩa bắn, bình đèn ắc quy chất xuống xuồng máy rồi chạy vào đồng để đặt bẫy, đi soi suốt cả đêm. Tờ mờ sáng, họ thu gom “chiến lợi phẩm” lại rồi mang đến mấy điểm thu mua chuột gần nơi đánh bắt để bán. Có chuyến họ đi cả tháng mới về. Vào những năm chuột rộ, xuất hiện nhiều trên đồng ruộng thì làng Phù Dật có nhiều người kinh doanh chuột phất lên, trở thành “đại gia… chuột” khấm khá. Cứ thế, Phù Dật hình thành nên cái chợ chuột hồi nào chẳng hay.

3.Chợ nhện hùm – chợ độc miền TâyAn Giang

“Chợ nhện hùm” Tịnh Biên còn được biết đến với tên gọi chợ biên giới Xuân Tô, nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang). Phiên chợ vùng biên này thu hút rất đông khách du lịch phương xa đến tham quan và mua sắm vải vóc, linh kiện điện tử, trái cây, các loại mắm…

Tại chợ biên giới, trong khi các bà các chị “chúi” đầu vào quần áo, phấn son, vải vóc… thì cánh mày râu “dán mắt” vào các loài côn trùng được đồn thổi… tăng lực. … Do đó nhiều người bảo rằng đến chợ Tịnh Biên mà hổng rinh mấy con này về tẩm bổ cho nương tử vui thì phí cả đời trai trẻ.

Trong rất nhiều loài côn trùng được bày bán, lắm mày râu đến từ phương xa dồn sự chú tâm vào những con nhện lông lá tua tủa, đen sì sì rất gớm ghiếc được người bán gọi là… “nhện hùm”. Một tiểu thương e hèm rằng chỉ nghe cái tên nhện hùm thôi cũng đủ biết giống nhện này rất… dữ dằn, “dữ trên tất cả các mặt, từ nọc độc đến biệt năng giường chiếu”. Có người bảo: “Hùm là cách gọi tránh của dân gian khi nhắc đến cọp – chúa sơn lâm của núi rừng. Nhện có rất nhiều chi loài nhưng nhện hùm là loài ác chiến nhất. Vì nó có nhiều lông lá, gương mặt rất giống chúa sơn lâm, lại có nọc độc kinh hồn nên mới chết cái tên… nhện hùm…”

4.Sôi động chợ bò Tà Ngáo – An Giang

Có một chợ bò duy nhất ở miền Tây được Bộ NN&PTNT cho phép nhập trâu, bò qua đường tiểu ngạch.

Việc mua bán phát triển, kéo theo hàng loạt nghề dịch vụ ra đời, tạo công ăn việc làm khiến đời sống người dân ở đây thêm khởi sắc.

Từ một xóm heo hút mà giờ sóc Tà Ngáo có nhiều đường giao thông cho xe tải ra vào mua bán trâu bò đông đúc. Đời sống người dân trong sóc khấm khá hơn nhờ có chợ. Tiếng ậm ò từ khu chợ vang vọng cả núi rừng.

Sóc Tà Ngáo thuộc ấp Phú Tâm, xã An Phú (Tịnh Biên, An Giang). Trước 1975,dân di cư đến khẩn hoang, kẻ tha phương cầu thực tấp vào lập nghiệp. Bởi thế đờisống dân chúng nơi đây rất nghèo.

Việc mua bán bò ban đầu chỉ diễn ra giữa dân trong sóc Tà Ngáo với nhau. Sau đó, dân ở đây qua Campuchia mua bò giống về trao đổi, bán mua, dần dà mới nảy sinh nhu cầu mua bán bò thịt, rồi đến mua bán trâu.

Làm lâu có tiếng, sóc Tà Ngáo không mấy chốc được thương lái ngoài tỉnh biết đến. Ai muốn mua trâu bò về cày cấy, bò dự án cho người nghèo cũng lui tới tìm.Trong vùng bắt đầu xuất hiện những “nghệ nhân” xem tướng bò, điển hình như ông Khổng mù ở Ô Tà Ban. Dù tập quán mua bán bò ở đây là “nhìn mặt bắt hình dong”, đánh (ước) trọng lượng là xỉa tiền (còn gọi là mua mão nguyên con) nhưng nếu mua bò về làm sức kéo thì người ta còn phải xem tướng mạo, xoáy, đuôi… để cho chắc ăn. “Đường ruộng từ huyện Kirivông (tỉnh Tà Keo, Campuchia) sang Tà Ngáo chỉ ngăn bởi con kênh Vĩnh Tế và cánh đồng vài cây số. Vì thế chuyện mua bán trâu bò ở đây rất sung túc”

5.Chợ rắn Phụng Hiệp (Hậu Giang)

Đây là chợ lâu đời và đặc sắc nhất ở Nam Bộ, chuyên bán đủ các loại rắn và rượu rắn, sau đó là rùa, ba ba, chuột, chim chóc… Nhiều nhất là rắn, đủ cỡ, đủ loại và cũng đủ giá tiền.
Chợ rắn Phụng Hiệp chỉ dài độ 500m, nằm dọc theo tuyến quốc lộ 1A, từ Cần Thơ đi Sóc Trăng nhưng rất sầm uất, nhộn nhịp. Ở đây có thể mua bất cứ loại rắn nào, từ chú rắn lục xanh nhỏ xíu, lớn bằng chiếc đũa cho đến chú trăn nặng đến 100 kg. Chợ rắn Phụng Hiệp còn cung cấp các loại rượu rắn gia truyền thượng hảo hạng, ngâm đủ loại rắn cùng với tắc kè, bìm bịp.Chẳng hiểu nó giá trị đến mức nào mà hàng ngày khách mua tứ xứ về đây nườm nượp. Chợ rắn ngày Tết, cảnh mua bán còn náo nhiệt hơn cả ngày thường, chứng tỏ sắm món ăn Tết không thể bỏ qua món rắn, loại đặc sản nổi tiếng của vùng sông nước Nam Bộ.

6.Chợ ma Lấp Vò (Đồng Tháp)

Chợ này tồn tại như bao năm qua và người ta gọi là chợ ma. Thật ra, đó là chợ chiếu Định Yên. Chợ nằm trên một đoạn sông dài về bên làng chiếu truyền thống nhưng đặc biệt là không họp ban ngày, chỉ họp vào ban đêm. Càng về khuya chợ càng nhộn nhịp đông vui.

Ở làng chiếu, ban ngày họ chủ yếu lo dệt ra sản phẩm. Đến ban đêm thì họ mang hàng ra bày bán ở chợ. Còn ở dưới bến thì ghe thuyền các nơi đến đậu san sát chờ lấy hàng. Điểm đặc biệt ở đây, người bán hàng chỉ thắp lên ngọn đèn dầu leo lét, còn người mua thì phải dùng đèn pin để chọn hàng.

Chợ ma Lấp Vò nhóm đến trước giờ giao thừa mới rã để người nghèo cuối năm có thì giờ mua sắm cho ngày Tết.

An Giangchợ bò cạpchợ bò tà ngáochợ chiếuchợ chuộtchợ lạ miền tâychợ lấp vòchợ ma lấp vòchợ miền tâychợ nhệnchợ rắnchợ rùng rợn miền tâychợ độchậu giangnhững điểm lạ miền tây

Những chợ lạ, chợ độc tại miền Tây Đạt 5/10 trên 1 đánh giá

Chia sẻ bài viết Những chợ lạ, chợ độc tại miền Tây

Cẩm Nang Du Lịch Nước Ngoài Tổ Chức Sự Kiện Cần Thơ Team Building Tour Du Lịch Miền Tây Tour Du Lịch Phú Quốc Tour Du Lịch Côn Đảo
© 2008 Du Lich Miền Tây - Mekong Delta Explorer · Posts by Du Lich Mien Tay, Du Lich Mien Tay on Google+, XML SiteMap, SiteMap Gzip