Mùa nước nổi đến Búng Bình Thiên.

Mùa nước nổi đến Búng Bình Thiên chiêm ngưỡng cảnh sông nước hữu tình…

Tháng tám hàng năm, dòng sông Mê-kông cuồn cuộn đổ từ Campuchia vào Việt Nam tạo thành những cơn lũ đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu.

Tận dụng những lợi thế thiên nhiên ban tặng, hàng năm vào dịp này, huyện đã tổ chức  du lịch mùa nước nổi, với điểm đến là búng Bình Thiên, nhằm giới thiệu đến bạn bè phương xa những sản phẩm du lịch và chiêm ngưỡng cảnh sông nước hữu tình; thưởng thức những món ăn dân dã tuyệt vời, nghe những bài ca vọng cổ mùi mẫn đến ngây ngất cõi lòng…

Búng Bình Thiên gạn đục khơi trong:

Từ thị xã Châu Đốc, qua cầu Cồn Tiên, men theo tỉnh lộ 956 hơn 30km, hướng về cửa khẩu Khánh Bình, chúng tôi đến búng Bình Thiên, một địa danh của huyện An Phú. Đây là một hồ nước ngọt tự nhiên mênh mông xanh ngắt trong khi nước của những kinh-rạch-sông-hồ quanh vùng búng Bình Thiên vẫn đục. Hồ nằm cặp sông Bình Di-một nhánh của sông Hậu nằm sát huyện Preythum của tỉnh Kandal, Campuchia-có khả năng thu hút nhiều khách du lịch. Búng nằm giữa 3 xã Khánh Bình, Khánh An, Nhơn Hội của huyện An Phú. Mùa khô hạn, diện tích búng còn khoảng 300 ha do nước hạ xuống. Mùa nước nổi, nước dâng lên làm mặt búng rộng khoảng 900 ha. Có thể nói rằng, đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây. Búng cung cấp lượng nước ngọt rất lớn quanh năm cho cư dân cả vùng và cũng là nơi có nhiều cá đồng bậc nhất vùng biên giới.

Cảnh quan búng thật khoáng đãng, gió lộng tứ bề. Khi mùa nước nổi đến, nhà sàn của một bộ phận cư dân sống ven hồ núp dưới những rặng cây xanh nhưng xung quanh ngập nước, tựa như bức tranh thủy mặc, với cỏ – cây – hoa – lá được thêu trên nền trắng xanh thơ mộng của bức tranh tự nhiên vậy!

Làng Chăm đón khách “Homestay” :

Còn gì thú vị hơn khi được ngao du quanh búng Bình Thiên bằng thuyền, thưởng thức các món ăn dân dã như: Chuột nướng, lẩu mắm nấu cá rô đồng chấm với bông súng, bông điên điển; chả cá linh hay cá linh non kho với trái me non…

Ông Nguyễn Văn Khên, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú nói: Bao năm qua, người dân An Phú mỗi năm nhìn lũ tràn đồng, chỉ biết chống xuồng đi kiếm con cá, con cua, hái ít bông điên điển, người giỏi giang hơn thì đi làm ăn xa. Nhưng khoảng 3 năm gần đây, vào mùa nước nổi, người dân nơi đây, nhất là đồng bào Chăm đã biết làm du lịch.

Còn nhớ, tại Liên hoan du lịch lịch mùa nước nổi đầu tiên, chúng tôi được sắp xếp nghỉ đêm tại nhà các gia đình người Chăm, mà ở quê Bác Tôn (xã Mỹ Hòa Hưng), loại hình du lịch này được gọi là Homestay. Lần ấy, chúng tôi đã được thông tin trước về tập tục của người Chăm Islam ở đây: Chủ nhà luôn dành cho khách ngủ ở gian nhà trước, phòng chỉ dành cho con gái hoặc vợ chồng chủ nhà; ngủ nhà sàn nên không giường. Tối đó, bà Sa Phi Thah tâm sự: “Phong tục người Chăm trước kia, con gái từ 15 tuổi là phải “cấm cung”, không được ra khỏi nhà, thậm chí có khách đến nhà là trốn vào phòng không được cho ai thấy mặt. Vì thế, các cháu không được đi học, đi làm ngoài chuyện bếp núc và công việc gia đình. Bây giờ, ở An Phú tục “cấm cung” hầu như không còn, con gái Chăm cũng đi học, đi làm như con gái người Kinh. Không biết chuyện làm du lịch của huyện có giúp cho gia đình mình gì không?”. Chúng tôi giải thích để người dân ở An Phú hiểu thêm rằng, huyện muốn cùng người Chăm làm du lịch để mỗi nhà có thể khấm khá lên.

Sáng ngày cuối cùng chúng tôi ở An Phú, một chị đại diện huyện đến nhà trao cho bà Sa Phi Thah số tiền dịch vụ nghỉ đêm của du khách, bà đã biết thế nào là hợp tác làm du lịch, song chắc còn nhiều chuyện bà con ở đây cần được huyện hướng dẫn để dịch vụ du lịch được chuyên nghiệp hơn. Ở vài nhà người Chăm, các cô gái nhiệt tình đón khách, đưa khăn choàng, trang phục Chăm cho khách mặc chụp hình kỷ niệm. Hai cô gái Chăm duyên dáng, Sa Vi Dah và Phâu Si Dah, làm hướng dẫn viên du lịch, theo chúng tôi suốt tour mùa nước nổi. Chúng tôi biết các cô không quen với sự cực nhọc của một hướng dẫn viên du lịch, lại mặc trang phục truyền thống Chăm không dễ dàng xuống ghe lên bờ, nhưng niềm khát khao được bằng chị, bằng em với người Kinh đã khiến các cô quên mệt, gương mặt luôn rạng rỡ nụ cười.

Đánh thức tiềm năng Búng Bình Thiên…

Ông Lâm Minh Giang, Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết: Búng Bình Thiên đã được xác định là một địa điểm thuộc quy hoạch chung khu du lịch phục vụ nhu cầu bảo tồn văn hóa nghỉ ngơi, giải trí cho du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nằm trong tuyến du lịch thuộc khu vực kinh tế và cửa khẩu Khánh Bình của huyện An Phú. Quanh búng Bình Thiên có khoảng 400 hộ dân chuyên sống bằng nghề nông. Phía bắc khu này giáp khu dân cư sinh thái phục vụ du lịch; phía nam giáp hồ búng Bình Thiên lớn, tổng diện tích quy hoạch 139 ha (tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng). Dự kiến thu hút khoảng 20.000 du khách/ năm. Để khai thác lợi thế du lịch của búng Bình Thiên, huyện An Phú đang tích cực mời gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT hoặc các hình thức khác thông qua Ngân hàng Đầu tư phát triển, các tổ chức tín dụng.

Với môi trường đầu tư được cải thiện thông thoáng, chính sách đầu tư đặc biệt ưu đãi của Chính phủ, của tỉnh An Giang, An Phú cam kết sẽ tạo thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tham gia đầu tư, với quyết tâm biến búng Bình Thiên trở thành một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh và ĐBSCL…

Nguồn: Sưu tầm.

Mùa nước nổi đến Búng Bình Thiên. Đạt 5/10 trên 1 đánh giá

Chia sẻ bài viết Mùa nước nổi đến Búng Bình Thiên.

Cẩm Nang Du Lịch Nước Ngoài Tổ Chức Sự Kiện Cần Thơ Team Building Tour Du Lịch Miền Tây Tour Du Lịch Phú Quốc Tour Du Lịch Côn Đảo
© 2008 Du Lich Miền Tây - Mekong Delta Explorer · Posts by Du Lich Mien Tay, Du Lich Mien Tay on Google+, XML SiteMap, SiteMap Gzip