Mùa nước nổi An Giang

An Giang – một tỉnh miền Tây Nam Bộ không xa lạ với nhiều người. Vùng đất trù phú với những cánh đồng cò bay thẳng cánh, vùng đất giáp ranh biên giới với những cánh rừng thốt nốt xanh ngắt một màu, vùng đất tôm cá đầy đồng khi lũ về và bông điên điển vàng rực khắp chốn. Người dân miền Tây gọi mùa lũ vào khoảng tháng bảy âm lịch hằng năm là mùa nước nổi.
Có thể khẳng định mùa nước nổi là đặc trưng của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, một đặc trưng được thiên nhiên trao tặng, qua thời gian dần trở thành một nét văn hóa, vẻ đẹp của sông nước miền Tây mà chẳng nơi nào có được.

Cứ mỗi năm theo chu kỳ bắt đầu từ tháng sáu âm lịch thì nước từ thượng nguồn sông Mê-Kông sẽ dâng ngập các cánh đồng từ bên kia biên giới Campuchia rồi tràn sang Việt Nam. An Giang – nơi bắt đầu của hai con sông Tiền và sông Hậu chịu ảnh hưởng đầu tiên. Trước đây, người dân chỉ làm lúa 2 vụ rồi bỏ trống ruộng đồng để tránh thiệt hại mùa màng. Nhưng, với quyết tâm “sống chung với lũ”, bắt lũ phải khuất phục con người, An Giang đã đầu tư vào hệ thống đê bao khép kín ngăn lũ. Đặc biệt là 2 đập ngăn nước bằng cao su khổng lồ là Tha La và Trà Sư đã cho người nông dân chủ động đối phó với lũ. Họ có thể làm thêm lúa vụ 3 và khi các cánh đồng đã gặt lúa xong, người ta mới xả nước để lũ tràn đồng. Dân An Giang ít khi dùng từ “mùa lũ” như những nơi khác mà thường gọi là “mùa nước nổi”, như là một hiện tượng rất bình thường diễn ra cuộc sống của họ. Nước lũ mang theo phù sa bồi đắp những cánh đồng, rửa sạch đất phèn, cuốn trôi sâu rầy, tạo nên lớp đất bề mặt phù sa màu mỡ.
An Giang mùa nước nổi gần như không thấy đất, chỉ thấy trời – mây – nước – gió . Trước cửa, sau nhà, bốn bề là nước. Những chùm bông điên điển be bé vàng rực, nom yếu ớt mà kiêu hãnh như đang cười với gió. Rải rác khắp nơi – nông dân chèo thuyền như trẩy hội. Chỗ thì cất vó, chỗ thì đặt lờ, đặt lọp; chỗ thì giăng lưới thả câu… í ới gọi nhau đi “nhặt của trời”, gặp khách lạ cũng như quen là vẫy tay chào cười niềm nở. Chẳng có đâu như nơi đây. Vào mùa này, những người nông dân trở thành những ngư dân. Cả gia đình cùng đi đánh bắt cá trên những cánh đồng, thu nhập của họ không thua gì làm ruộng. Mỗi buổi chiều, tất cả các phương tiện đánh bắt cá được huy động tối đa. Sau một đêm thức để giăng lưới, chày, câu, … mỗi gia đình bắt được vài chục ký cá là chuyện thường. Ngoài ra, họ còn khai thác mặt nước để trồng sen, bông súng, nuôi tôm, cá, tạo nên bức tranh quê trong mùa nước nổi hết sức sinh động. Nhất là ở xã Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú), người dân đóng cừ tràm trên ruộng để trồng rau thủy sinh, tạo nên những mảng xanh đầy sức sống trùm lên ruộng nước hoặc tạo những đầm sen, bông súng rải rác ở khắp nơi, mà nhiều nhất là Thoại Sơn và rừng tràm Trà Sư. Đến đây, hẳn du khách sẽ vô cùng thích thú khi ngắm những đài sen tinh khiết vượt lên mặt nước trổ hoa, những khóm bông súng Nhật Bản hồng tươi làm ấm cả một góc đồng nước rừng tràm.

Nước lũ về còn mang theo những đàn cá lớn từ thượng nguồn. Đàn cá vào trú ngụ trên những cánh đồng. Những hạt lúa rơi rụng trên những cánh đồng là nguồn thức ăn dồi dào khiến chúng lớn rất nhanh và sinh sôi nhiều vô kể. Có rất nhiều loài cá nước ngọt như cá rô, cá lóc, cá sặc, cá mè, đặc biệt là cá linh. Có thể nói cá linh là món quà vô tận mà lũ đem đến. Chiều xuống, khung cảnh đẹp đến nao lòng. Dõi mắt trông ra cánh đồng mênh mông nước là ánh mặt trời từ từ ẩn sau rặng núi. Đây là thời điểm đẹp nhất trong ngày. Nếu được cùng bạn bè ngồi trên bờ đê, nướng những chú cá mới bắt lên, chấm với muối ớt có chút nước chanh, nhâm nhi rượu chuối hột và nghe đàn ca tài tử thì du khách sẽ thấy không còn gì thú vị cho bằng nữa. Ẩm thực An Giang quả có nhiều món lạ. Món mắm kho cá linh đậm đà béo ngậy với sả, ớt, cay nồng. Hoặc bắc nồi nước liu riu, cho rổ cá rửa sạch vào, ra sau hè, ngắt vài chùm bông điên điển thêm vài cọng bông súng… là có một nồi lẩu cá linh thơm ngát. Ngoài ra thì ở đây mới có thêm bánh xèo núi Cấm với bột bánh được pha với trứng đà điểu. Nhân bánh ngoài giá, đậu xanh, tôm còn thêm thịt ếch. Đặc biệt rau ăn kèm toàn là lộc của rừng: lá điều, lá xoài, lá tàu bay, lá dứa, lá sợp, lá ngành ngạch, lá chòi mòi, lá cát lòi, lá sung… chấm với mắm nêm chua ngọt. Ăn một lần là nhớ.
Mùa nước nổi còn là bước chuyển tiếp để An Giang đón khách sau khi kết thúc mùa lễ hội Vía Bà. Bởi tiếp theo đó, nhiều lễ hội khác đã diễn ra trùng hợp với thời gian này. Trong đó, có những lễ hội diễn ra trên sông nước như đua thuyền, hoặc trên cạn như đua bò… Vào tháng 9 âm lịch, tại hai huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên, lễ hội đua bò Bảy Núi diễn ra với không khí hào hứng, vui tươi nhân dịp Tết cổ truyền Dolta của đồng bào dân tộc Khmer.

an giang mùa nước nổicá linh mùa nước nổidu lịch An Giangdu lich an giang mua nuoc noidu lịch Miền TâyDu Lịch Mùa Nước Nổidu lịch Đồng Bằng Sông Cửu LongLáng Linh mùa nước nổilẩu cá linhlũ về miền tâymùa nước nổi an giangtứ giác long xuyên mùa nước nổiĐánh bắt mùa nước nổi

Mùa nước nổi An Giang Đạt 5/10 trên 1 đánh giá

Chia sẻ bài viết Mùa nước nổi An Giang

Cẩm Nang Du Lịch Nước Ngoài Tổ Chức Sự Kiện Cần Thơ Team Building Tour Du Lịch Miền Tây Tour Du Lịch Phú Quốc Tour Du Lịch Côn Đảo
© 2008 Du Lich Miền Tây - Mekong Delta Explorer · Posts by Du Lich Mien Tay, Du Lich Mien Tay on Google+, XML SiteMap, SiteMap Gzip