Văn Thánh Miếu ở Vĩnh Long

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long thờ  đức Khổng Tử tại làng Long Hồ,  nay thuộc phường 4, TP Vĩnh Long. Đó là một trong ba Văn Thánh Miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam bộ: Văn Thánh Miếu ở Biên Hòa, Gia Định và Vĩnh Long. Văn Thánh Miếu Vĩnh Long xây dựng vào năm 1862. Các sĩ phu ở Biên Hòa, Gia Định, Định Tường không chịu làm tay sai cho Pháp và để giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc nên họ đã rời khỏi Gia Định, Biên Hòa để về Vĩnh Long tỵ địa. Họ đã xây dựng Văn Thánh Miếu để làm nơi ôn tập cho các sĩ tử và cũng là nơi để hoạt động văn hóa, đề cao các tiền hiền, giáo dục lòng yêu nước cho nhân dân. Công trình này khởi công từ mùa đông năm Giáp Tý (1864) và hoàn thành vào mùa thu năm Bính Dần (1866). Từ đó đến nay, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được trùng tu, tôn tạo vào các năm 1872, 1903, 1914, 1933, 1963 và 1994.
Mặc dù qua nhiều lần trùng tu nhưng Văn Thánh Miếu Vĩnh Long vẫn giữ được nét cổ kính như thuở ban đầu.
Sát đường là cổng tam quan xây theo lối cổ lâu có ba tầng mái. Sau cổng là thần đạo đi thẳng vào điện Đại Thành. Hai bên là hai hàng sao cao vút như hai hàng lính áp hầu. Phía trước chính điện giữa thần đạo là ba tấm bia đá. Đáng kể nhất là tấm bia do Phan Thanh Giản viết trước khi tử tiết, Trương Ngọc Lang lập năm 1872. Tấm bia thứ nhì kỷ niệm ông Tống Hữu Định và giới trí thức trùng tu tái thiết miếu năm 1903. Tấm bia thứ ba ca ngợi tấm lòng hảo tâm của bà Trương Thị Loan hiến đất làm hoa lợi hương hỏa.
Trong khu vực Văn Thánh Miếu còn được cất thêm một thơ lầu có tên là Tụy Văn lâu là nơi chứa sách, đọc thơ và bình văn. Lúc đầu Tụy Văn lâu được cất bằng gỗ lá, gồm một gian hai chái theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, bên trên có gác với diện tích 144m2. Đến năm 1914 được trùng tu lại nền gạch, xây tường, lợp ngói ống và đổi tên thành Văn Xương Các.
Trên gác thờ ba vị Văn Xương Đế Quân (thần Văn học):
1. Cửu thiên Khai hóa Văn Xương tử đồng đế quân (ở giữa).
2. Cửu thiên Tuyên hóa Văn Xương khôi đẩu tinh quân (ở bên trái).
3. Cửu thiên Dương hóa Văn Xương kim giáp tinh quân (bên phải).
Bên dưới, gian giữa thờ cụ Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản. Khánh thờ chạm trổ khéo léo, sơn son thếp vàng. Phía ngoài có hai câu đối:
Hoàng phong xử sĩ thanh cao lão
Tự hiệu thơ sanh tiết liệt thần.
Gian bên trái thờ các vị:
– Đốc bộ đường Trương Văn Uyển.
– Bố chánh sứ Nguyễn Văn Nhã.
– Án sát sứ Võ Doãn Thanh.
– Đốc học đường Nguyễn Thông.
Gian bên phải thờ các vị:
– Tri phủ Định Viễn Lên Văn Khiêm.
– Tri phủ Định Viễn Nguyễn Tống Minh.
– Giáo thọ Hoằng Trị Nguyễn Tú Mẫn
– Tổng đốc Thuận Khánh Nguyễn Mục Như.
Bên trong Văn Xương Các còn có các câu đối tiêu biểu như sau:
Công cán tam triều cảnh cảnh điền mô chiêu á thánh,
Đức tùy bách tánh dương dương tiết liệt sắc phong thần.
Đức hạnh văn chương chiêu Thánh giáo,
Thông minh tài liệu dũ Nho phong.
Bản dịch của ông Cao Mạnh Dũng:
Ba triều công nghiệp, khuôn mẫu chói chang theo gương á thánh,
Trăm họ ơn đức, khí tiết mênh mông đáng được phong thần.
Văn chương đức hạnh noi gương bậc Thánh,
Phẩm chất thông sáng giữ dáng nhà Nho.
Khu vực chính của Văn Thánh Miếu gồm Đại Thành điện và hai ngôi miếu ở trước sân đâu mặt nhau gọi là Tả Hữu vưu. Gian chính điện được bài trí đơn giản. Giữa là khánh thờ bài vị: Đại Thành Chí Thánh Tiên sư Khổng Phu tử và bài vị bốn vị đứng vào hàng đệ tử của ngài gọi là Tứ Phối. Cũng trong chính điện, hai bên Tả ban và Hữu ban là khánh thờ: Thập nhị hiền triết. Còn hai bên Tả Hữu vu thờ: Thất thập nhị hiền, mỗi bên ba mươi sáu vị.
Trong Văn Thánh Miếu có rất nhiều hoành phi, câu đối do các nhà hảo tâm ở khắp nơi hiến cúng. Trong đó có câu đối của Thượng thư Cao Xuân Dục cúng năm 1913 khi ông đến Vĩnh Long:
Xuân thu hà đẳng càn khôn, đạo tại Ngũ Kinh song nhật nguyệt.
Thù Tứ biệt thành vũ trụ, đồ qua Lục Tỉnh nhất cung tường.
Nghĩa:
Đời Xuân Thu trời đất bậc nào, đạo ở năm kinh đôi nhật nguyệt.
Sông Thù, Tứ, cõi bờ riêng đó, đường qua sáu tỉnh một cung tường.
Hằng năm, tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long có các ngày lễ lớn:
Tế Khổng Tử vào ngày Xuân Đinh và Thu Đinh.
Tại Văn Xương Các, mỗi năm có hai lễ cúng tế: Lễ giỗ cụ Phan Thanh Giản vào ngày 4 và 5 tháng 7 âm lịch. Lễ truy điệu chung các quan quân cựu trào có công và bỏ mình vì tổ quốc vào ngày 12 và 13 tháng 10 âm lịch.
Với những giá trị văn hóa truyền thống còn lưu giữ được, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long đã được Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định số 0557/QĐ ngày 25 tháng 3 năm 1991 công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia.

————Nguồn Internet……..

diem du lich vinh longdu lịch Miền Tâydu lich sinh thaidu lich van hoa.tour Vĩnh Longvan hoa vinh longVăn Thánh MiếuVĩnh Long

Văn Thánh Miếu ở Vĩnh Long Đạt 5/10 trên 1 đánh giá

Chia sẻ bài viết Văn Thánh Miếu ở Vĩnh Long

Cẩm Nang Du Lịch Nước Ngoài Tổ Chức Sự Kiện Cần Thơ Team Building Tour Du Lịch Miền Tây Tour Du Lịch Phú Quốc Tour Du Lịch Côn Đảo
© 2008 Du Lich Miền Tây - Mekong Delta Explorer · Posts by Du Lich Mien Tay, Du Lich Mien Tay on Google+, XML SiteMap, SiteMap Gzip