Phát triển du lịch miền cực nam đất nước

Kiên Giang nằm ở cực nam của Tổ quốc, với địa hình đa dạng, phong phú về cảnh quan thiên nhiên, giàu bản sắc văn hóa… Ðây chính là tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Nhưng với cách làm du lịch chủ yếu dựa vào thiên nhiên, thiếu ý tưởng, không sáng tạo… cho nên lĩnh vực được xác định là “mũi nhọn” của địa phương này vẫn chưa “nhọn”.

Tiềm năng phong phú

Bản đồ du lịch của Kiên Giang chia làm bốn vùng trọng điểm: Phú Quốc; Hà Tiên, Kiên Lương; Rạch Giá, Kiên Hải, Hòn Ðất và U Minh Thượng. Cách chia này phù hợp với đặc điểm địa hình của tỉnh Kiên Giang, các vùng đều có thế mạnh, sản phẩm du lịch riêng và có thể liên kết, bổ trợ nhau. Ðiểm nhấn của du lịch Kiên Giang là huyện đảo Phú Quốc, với địa hình độc đáo, là những dãy núi nối liền chạy từ bắc xuống nam đảo, là rừng nguyên sinh với hệ động, thực vật phong phú, là những bãi biển tuyệt đẹp còn nguyên sơ, là hàng chục hòn đảo lớn nhỏ bố trí hài hòa cạnh hòn đảo lớn có diện tích tương đương đảo quốc Xin-ga-po.

Phú Quốc là điểm du lịch hấp dẫn của nhiều du khách

Còn với Hà Tiên, Kiên Lương là vùng đất bán sơn thủy nhiều thắng cảnh biển, núi, hang động và di tích lịch sử – văn hóa. Vùng đất này một thời vang bóng, dưới sự cai quản của dòng họ Mạc, nổi bật là Mạc Thiên Tích, một danh thần thời chúa Nguyễn, đã thành lập nên Tao đàn Chiêu Anh Các hội tụ thi nhân, mặc khách đất Hà Tiên.

Rạch Giá là một thành phố trẻ, năng động nằm bên bờ biển tây, nơi có công trình lấn biển quy mô lớn nhất nước, đang phát triển từng bước trở thành trung tâm lưu trú, ăn uống và các dịch vụ vui chơi giải trí về đêm bên bờ biển thơ mộng. Rạch Giá gắn với Kiên Hải, vùng thắng cảnh biển, đảo với đặc thù nghề truyền thống đi biển, làm nước mắm, chế biến hải sản, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, riêng biệt, gắn với địa danh Hòn Ðất, những hang hòn đi vào lịch sử và những huyền thoại về nữ anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng (Tư Phùng – chị Sứ). U Minh Thượng là vùng đất có một không hai ở Việt Nam, với đặc thù hệ sinh thái rừng tràm ngập nước trên đất than bùn, hệ động, thực vật phong phú đa dạng… là một phần của khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang đã được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới…

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), Trần Ðạt Duy nhận xét: “Tiềm năng du lịch của Kiên Giang vô cùng phong phú, nhiều thứ Kiên Giang có nhưng các tỉnh, thành phố khác không có. Bên cạnh đó, Kiên Giang lại có tất cả những thứ mà các địa phương khác đang sở hữu. Không chỉ có vậy, nhiều địa điểm ở Kiên Giang đã có “tên” trên bản đồ du lịch của thế giới như: Phú Quốc, Hà Tiên…, nhưng những địa điểm này chưa có thương hiệu, vì thế du lịch Kiên Giang vẫn chỉ là “tiềm năng”.

Thiếu ý tưởng, sáng tạo

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang, tổng lượng khách đến Kiên Giang tham quan du lịch trong năm 2013 ước đạt 3,85 triệu lượt, tăng 8,2% so với cùng kỳ, tổng doanh thu từ các dịch vụ du lịch đạt 1.120 tỷ đồng, tăng 27,6%. Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ÐBSCL Trần Ðạt Duy cho biết: “Những con số này được cộng dồn từ báo cáo của các địa phương, không chính xác nên chẳng thể hiện được sự phát triển! Du khách đến tham quan các thắng cảnh của Kiên Giang sẽ chóng chán và không quay lại. Du lịch Kiên Giang chậm phát triển do lãnh đạo chưa chú trọng và chưa thấy hết được các vấn đề phát sinh khi làm du lịch. Phát triển du lịch phải xuất phát từ ý tưởng, sáng tạo chứ không nên bắt chước, lấy cái của người khác làm cái của mình. Tiềm năng lớn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thua thiệt, vì ỷ lại vào thiên nhiên, trông chờ vào ngân sách… nên không tự lập được”.

Thời gian qua, hình ảnh nhiều điểm du lịch ở Kiên Giang như: Hòn Ðất, Kiên Lương, Hà Tiên bị xấu đi khi môi trường, cảnh quan tự nhiên bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự can thiệp thô bạo của con người. Những quả đồi, sản phẩm của du lịch, bị cưa ngọn, bị khoét sâu, bị đục đẽo nham nhở. Những con đường dẫn vào các khu du lịch bị các loại xe tải nặng cày xới, công trường khai thác gây ô nhiễm trầm trọng. Ðến nay, ở Kiên Giang có 230 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch (vốn ngoài ngân sách), quy mô 8.527 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 131.516 tỷ đồng, trong đó có bảy dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với 247,7 ha, vốn đầu tư 32.700 tỷ đồng. Nhưng hiện chỉ có 34 dự án đi vào hoạt động, còn lại hầu hết đang thực hiện các thủ tục đầu tư. Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang hiện có 290 cơ sở lưu trú, với 5.672 phòng, nhưng chỉ có một cơ sở tiêu chuẩn bốn sao, ba cơ sở ba sao.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang thừa nhận, do cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch chất lượng thấp, các loại hình du lịch và dịch vụ vui chơi đơn điệu, không sáng tạo, thiếu hấp dẫn; đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ du lịch thiếu và yếu; tình trạng ô nhiễm môi trường không những chưa được cải thiện mà có chiều hướng phát triển; việc chuẩn bị thủ tục đầu tư và xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch, như sân bay, hệ thống giao thông, cảng biển, hệ thống cấp điện, nước… chậm, chưa đồng bộ… nên chưa thể phát huy các giá trị về tiềm năng tài nguyên, thế mạnh du lịch.

Cần tầm nhìn chiến lược

Ðầu Xuân Giáp Ngọ, Kiên Giang chào đón hai sự kiện lớn: khánh thành tuyến cáp ngầm 110 kW xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc đưa lưới điện quốc gia từ đất liền ra đảo ngọc Phú Quốc và khánh thành cầu Cái Lớn và Cái Bé, nối vùng U Minh Thượng với TP Rạch Giá, các vùng khác trong tỉnh. Hai sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, vừa là tiền đề vừa là động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển, nhưng cũng là nền tảng, điều kiện để ngành du lịch bứt phá, thật sự trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Kiên Giang. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kiên Giang cho biết: Ðể khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của đảo ngọc Phú Quốc, đáp ứng xu thế hội nhập và phục vụ tốt nhu cầu du khách, cần tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư lớn có năng lực tài chính đầu tư vào các dự án cao cấp để có sản phẩm du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế. Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu tham quan, biểu diễn cá heo, trường đua ngựa, đua chó, casino, các trang trại du lịch, khu ẩm thực. Ðối với Hà Tiên – Kiên Lương cần đầu tư phát triển khu kinh tế cửa khẩu, khu phi thuế quan. Kêu gọi đầu tư phát triển du lịch đầm Ðông Hồ, Thạch Ðộng, núi Ðá Dựng, núi Ðèn, Moso, hang Tiền… Mở tuyến du lịch ra quần đảo: Bà Lụa, Hải Tặc, khôi phục “thập cảnh Hà Tiên“, nâng cấp quy mô lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các, lễ giỗ Mạc Cửu, khôi phục phát triển các làng nghề và các món ăn đặc sản…

Việc Kiên Giang kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực, dự án trên là phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển nhưng làm thế nào để các nhà đầu tư mạnh dạn bỏ tiền đầu tư mới là mấu chốt, bởi hiện tại nhiều dự án khu du lịch, khách sạn cao cấp đã được cấp phép nhưng chưa triển khai hoặc triển khai rồi nhưng bỏ dở. Chủ một doanh nghiệp đang triển khai một dự án tại huyện đảo Phú Quốc cho rằng, tỉnh Kiên Giang cần có tầm nhìn chiến lược, bao quát, đầu tư (công) phải có chiều sâu và làm du lịch không thể nghĩ ngay đến cái lợi trước mắt. Vì vậy trước tiên, Kiên Giang cần nhanh chóng hoàn thành công tác quy hoạch cho bốn vùng du lịch trọng điểm. Trong công tác quy hoạch cần có sự thống nhất cao, hạn chế chỉnh sửa thay đổi quy hoạch. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cho từng vùng để tạo lòng tin cho nhà đầu tư, tránh những thay đổi như ở Phú Quốc, chỉ trong một thời gian ngắn đã thay đổi quy hoạch đến ba lần. Nhà nước cần đầu tư xây dựng hạ tầng cho nội vùng và các tuyến đường giao thông kết nối giữa các vùng với nhau. Nghiên cứu đưa ra một số cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Chọn những sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng vùng, tránh trùng lắp.

Kiên Giang cần chú trọng công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ du lịch, bởi theo lộ trình và hướng phát triển, giai đoạn 2020 đến 2030, tỉnh Kiên Giang cần đến 80.000 cán bộ, nhân viên phục vụ du lịch. Theo ông Trần Ðạt Duy, việc đào tạo nhân sự phục vụ du lịch phải chuyên nghiệp và mang sắc thái địa phương. Nhân sự du lịch cho từng vùng phải khác nhau, vì sản phẩm du lịch của từng vùng không giống nhau. Song song đó, đầu tư về hạ tầng, về văn hóa và các điều kiện khác để hình ảnh du lịch của Kiên Giang ngày càng mới, càng đẹp trong mắt du khách; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá để du lịch Kiên Giang được biết đến ở tất cả các nước trên thế giới.

 

VIỆT TIẾN

CÔNG TY TNHH DU LỊCH THÁM HIỂM & SỰ KIỆN ĐỒNG BẰNG MEKONG
Trụ sở: 58 Đường 3/2, P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ
Tel: 0292-3.819.219 - Fax: 0292-3.819.219 – Hotline: 0919.44.45.45
Email: thamhiemmekong@gmail.com – Website: mekongdeltaexplorer.vn

Hãy để chúng tôi biết sở thích của bạn

Nếu chương trình du lịch trên không đáp ứng được sở thích của bạn, hãy gửi yêu cầu của bạn cho chúng tôi bằng cách liên hệ với chúng tôi

Cẩm Nang Du Lịch Nước Ngoài Tổ Chức Sự Kiện Cần Thơ Team Building Tour Du Lịch Miền Tây Tour Du Lịch Phú Quốc Tour Du Lịch Côn Đảo
© 2008 Du Lich Miền Tây - Mekong Delta Explorer · Posts by Du Lich Mien Tay, Du Lich Mien Tay on Google+, XML SiteMap, SiteMap Gzip